Mình cứ nhớ mãi ngày mới đi dạy, trong lớp có bé trai 4 tuổi cực kỳ mê ô tô. Cậu vẽ được tất cả các loại ô tô, cần cẩu, xe đua…, nhanh và rất đẹp. Cậu chàng có thể dành hàng giờ chỉ để ngắm ô tô, qua lớp cửa kính nhìn xuống đường. Và dần dần, cậu học trò ấy cũng trở thành “thầy giáo” dạy vẽ trong lớp mà tất cả các bạn đều ngưỡng mộ. Trẻ con mà dạy nhau, thì nghe nhau lắm cơ. Một câu “anh bảo”, hai câu “anh vẽ như thế”. Học có khi còn nghiêm túc hơn khi người lớn dạy. Đó là tình huống phổ biến trong một lớp học trộn tuổi.

Lớp học trộn độ tuổi – vận hành theo hình thái Verical Bonding (gắn kết chiều dọc) – là lớp trộn các bé mầm non 6 – 18 tháng; 18 tháng – 36 tháng; 3 – 6 tuổi để cùng học, cùng sinh hoạt với nhau. Những lớp học này có những cách tiếp cận về học thuật, nghệ thuật… khác với các lớp chia tuổi như: 2-3 tuổi; 3-4 tuổi; 4-5 tuổi; 5-6 trong một lớp học. Đây là dạng lớp học theo hình thái Peer Bonding hay Horizontal Bonding (gắn kết chiều ngang), kết hợp những trẻ có cùng sự phát triển, cùng tâm lý lứa tuổi sinh hoạt với nhau.
Trẻ học trộn độ tuổi giai đoạn mầm non có rất nhiều điều diệu kỳ đến nỗi mà ngay cả khi đã quen rồi, đôi lúc mình vẫn phải thốt lên: Không thể tin được!
Trong bài viết này, mình chủ yếu muốn nói đến sự gắn bó và kết nối của bọn trẻ ở trong lớp trộn tuổi 3 -6. Theo cơ cấu, lớp sẽ có khoảng 30 – 40% là các em bé 3 tuổi, học chung với các anh chị 4-5 tuổi. Lớp sẽ có 24 – 30 bạn/ 3 cô (tuỳ vào diện tích và môi trường lớp).
3 tuổi là độ tuổi mà lắm lúc các em vẫn mải chơi, mải hoạt động mà trót “tè ra quần”. Em cũng dễ học hoặc làm theo bạn, chưa có chính kiến riêng, cũng chưa đủ nhanh nhẹn tự mặc cho mình bộ quần áo chỉn chu. Ngôn ngữ của bé 3 tuổi chỉ đang ở mức nói câu đủ chủ vị, câu ghép, câu hỏi đơn giản.
Ở lứa tuổi 4-5, các bé đã có thể đi đứng nhanh nhẹn, thay quần áo, cất đồ dùng; có nhu cầu làm thủ lĩnh, leader. Có khả năng tự sáng tạo một câu chuyện dài, ly kỳ theo ý thích. Đôi khi những câu chuyện đó hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng. Các đàn anh đàn chị này cũng đã có khả năng vẽ cả bức tranh lớn, trộn màu khi vẽ…
Không ít phụ huynh cảm thấy hoang mang khi lần đầu tìm hiểu về lớp học trộn tuổi. Nhưng mình thấy sự hoang mang sẽ nhanh chóng biến mất thôi.
Ngay cả giáo viên khi mới phụ trách một lớp như thế này cũng khá bối rối vì mỗi trẻ/nhóm trẻ nhỏ lại học những thứ khác nhau và học theo khả năng của bản thân.
Ở trong lớp trộn tuổi, sự ganh đua trẻ con, thích hơn thua, thích “nổi tiếng”, thích thể hiện; rồi học ở nhau những hành vi chưa phù hợp, tính khoe khoang, tư tưởng thống trị nguyên thủy (Primitive Dominance) và hùa theo những giá trị bề nổi và rỗng được hạn chế rất nhiều.
Con thích thể hiện sự mạnh mẽ à? Ừ được. Con sẽ được thoả mãn qua việc thể hiện mình là người lớn, mình có trách nhiệm, có sức mạnh.
Con có thể đi bê đồ, rửa bát làm mẫu cho các em bé hơn. Con có thể đi lau nhà, xếp bàn ghế, mời các em để đồ đúng chỗ.
Nếu em nhỏ đồng ý, con cũng được phép đi dạy/hỗ trợ các em làm bài, hoặc buộc tóc, mặc quần áo giúp em, ghi tên của em vào phiếu bài tập.
Những thầy cô giáo nhí trong lớp cứ lớn lên dần dần như thế đó… Tóm lại, nếu trẻ thích thể hiện, ta sẵn sàng cho trẻ được thể hiện đúng cách.
Con cũng dần hiểu rằng mỗi người là một cá thể độc lập. Mình 4 tuổi, mình vẽ cái đẹp của 4 tuổi. Chị 5 tuổi, chị vẽ nét đặc trưng của chị. Những nét vẽ ngô nghê của các em 3 tuổi cũng có điểm hay riêng. Việc chấp nhận sự khác biệt không chỉ xảy ra trong quá trình học mà còn trong cả các tình huống sinh hoạt khác: làm việc nhà, đi vệ sinh, ăn uống…
Các con cũng xây dựng sự tự tin nội tại, kết nối với nhau một cách tự nhiên.
Cùng ở trong một lớp với nhau 3 năm, trẻ tự nhiên có sự gắn bó sâu đậm với cô và các bạn – sự gắn bó theo chiều dọc. Việc này cũng dễ hiểu vì sống trong một lớp mà trẻ đủ thời gian để hiểu tính khí nhau, tương tác với nhau như những anh chị em trong nhà sẽ giúp trẻ có tư duy trưởng thành, dễ chấp nhận sự khác biệt.
Trẻ lớn bao dung hơn với những lỗi lầm của các bạn/em khác, hạ thấp tính ganh đua, so bì.
Trẻ bé nhìn thấy cách anh chị và người lớn giao tiếp sẽ bắt chước và dần tự chủ được công việc của mình.
Trong lớp trộn tuổi, con có quyền chọn bạn chơi, nhóm chơi, cách chơi, khu vực chơi trong lớp với nhau. Con cũng có quyền từ chối hoặc chấp nhận sự giúp đỡ, đồng thời cũng học được cách đề nghị giúp người khác hay người khác giúp mình.
Vậy nên, cứ đến thời điểm các anh chị lớn ra trường là bịn rịn lắm! Ở với nhau chừng ấy năm, thói quen, sở thích, tính khí… đều biết nên sẽ nhớ nhau lắm. Các con tốt nghiệp rồi, quay về lớp của mình là như quay về nhà. Nơi ấy có các em mà con đã từng chơi, từng “follow” theo con, nghe lời con làm những trò đáng yêu và cả những trò khiến cô “bốc hoả” nữa.
Các cô ở với các con lâu, tình cảm cũng được vun đắp. Mỗi khi nhắc về những đứa trẻ hay một tình huống nào đó, là tâm trí cô như nhớ về những người bạn cũ. Đầy sống động và hồn nhiên.
P/s: Quay lại với cậu học trò ở đầu bài, mình cũng muốn chia sẻ thêm chuyện chàng đã dành tới nửa năm chỉ để ngắm đường, lá bay, vẽ ô tô và đi dạy cả lớp vẽ ô tô. Cứ xong “nhiệm vụ” học cùng cô là chàng nhanh nhanh về lại góc quen thuộc để… ngắm tiếp.
Một ngày đẹp trời, chàng bỗng đọc được số thành thạo như thể rất chăm chỉ với môn Toán, dù cô quan sát là chàng chưa đến giai đoạn nhạy cảm Toán học. Lý do là vì khi ngồi ở góc đó, chàng ngắm cả các bạn đang học, rồi nhớ luôn. Lợi ích của lớp học trộn tuổi thực tế còn nhiều lý thuyết rất nhiều nhỉ.
Nguồn ảnh: fanpage trường mầm non Montessori FTF – Vĩnh Phúc
Hương Nguyễn – Giáo viên Montessori
Trả lời